- Thích Phước Trí: Thưa Pháp Không Chân Như! Chúng ta nên biết Đức Phật thị hiện ở đời là vì chúng sanh, vì an lạc hạnh phúc của chúng sanh. Mà chúng sanh có đủ căn cơ chủng trí khác nhau, có kẻ hạ căn, người thượng căn. Do đó, Phật tùy từng đối tượng mà thuyết pháp, nên giáo pháp của Phật có 5 thừa (Nhân, Thiên, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát thừa). Theo đó, lời dạy của Phật khác nhau.
Nếu chúng ta không hiểu lấy cái thấy của Nhân thừa mà kiến giải giáo lý đại thừa thì sẽ sanh ra mâu thuẫn. Khi nào chúng ta hiểu được lẽ đó thì lời của Như Lai không hề mâu thuẫn.
Ví dụ ở Nhân thừa, Phật dạy các pháp là vô thường, bất tịnh, khổ... Nhưng với Bồ tát thừa, Phật dạy các pháp không sạch, không dơ, không tăng, không giảm, không thọ, không tưởng, không hành, không thức .v.v. Cũng vậy đối với người chấp có, Phật dùng pháp không để dạy; đối người chấp không, Phật dùng Pháp có để dạy.
Đó là pháp đối trị mà ba đời chư Phật thường dùng giáo hoá chúng sanh. Cũng vậy, ngã tức là vô ngã, vô ngã tức là ngã, sắc tức là không, không tức là sắc. Ngôn ngữ chỉ để diễn đạt chân lý chứ không phải chân lý. Nếu Pháp Không Chân Như dựa vào văn tự chấp văn tự là chân lý, sinh tâm phân biệt sẽ sanh vô vàn tâm sai khác. (26 Tháng 6 2014 lúc 12:01).
- Pháp Không Chân Như: Thầy Thích Phước Trí! Ngoại trừ một, tất cả các nội dung còn lại của chia sẻ trên đây của thầy thì Pháp Không rất hoan hỷ. Nam mô Phật.
Thầy nói: "ngã tức là vô ngã, vô ngã tức là ngã". Thầy hoan hỷ nói rõ tường nghĩa này được chăng! (26 Tháng 6 2014 lúc 12:10).
- Thích Phước Trí: Thưa Pháp Không Chân Như! Vô ngã tức là ngã, ngã tức vô ngã. Đơn giản là vì chúng ta còn chấp vào cái danh tự nên thấy có ngã và vô ngã, chứ khi tâm ta vắng lặng, hai danh tự ngã và vô ngã trở nên vắng lặng, tịch tĩnh như hư không. Không gì là vô ngã, không gì là ngã. Cũng như Ngài lục tổ Huệ Năng nói chẳng phải phướng động, chẳng phải gió động mà tâm động, không ngoài nghĩa ấy. (26 Tháng 6 2014 lúc 12:21).
- Pháp Không Chân Như: Thầy Thích Phước Trí! Có thể Thầy đã đọc, nhưng Pháp Không vẫn chép lại để mọi người cùng đọc đoạn kinh sau đây. Thầy quán chiếu lời kinh này so với "ngã tức là vô ngã, vô ngã tức là ngã" mà thầy đã nói xem có sai sót gì không.
"Đức Phật dạy đại chúng: Cảnh chẳng phải khổ mà cho là khổ, ngược lại cảnh khổ mà cho là vui. Lạc là cảnh giới Như Lai mà kẻ nào chẳng biết là điên đảo số một.
Trong vô thường mà cho là thường, ngược lại thường cho là vô thường. Thường là cảnh giới Như Lai mà kẻ nào chẳng biết là điên đảo số hai.
Trong chơn ngã mà cho là vô ngã, ngược lại trong vô ngã cho là ngã. Ngã là Phật tính mà kẻ nào hiểu trái lẽ là điên đảo số ba.
Trong bất tịnh mà cho là tịnh, ngược lại trong tịnh cho là bất tịnh. Tịnh cũng là Phật tính mà kẻ nào hiểu trái lẽ là điên đảo số bốn. (Kinh Niết Bàn)."
- Tu Hieupy: Chúng sinh...
“Lội trong nước chớ ngây thơ tìm nước.
Đi trên non đừng phí sức tìm non.”
“Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”.
“Sư tử rống gọi là lời nói quyết định: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không có biến đổi. Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được thành Vô thượng Bồ đề. Do nghĩa này nên trong kinh Phật nói tất cả chúng sanh nhẫn đến kẻ tạo tội ngũ nghịch, phạm tứ trọng tội và nhất xiển đề đều có Phật tánh” (Chương Sư tử hống Bồ-tát).
“Phật dạy: Y vào pháp tức là Như Lai Đại Bát Niết Bàn. Tất cả Phật pháp tức là Pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Như Lai. Thế nên Như Lai thường trụ bất biến. Nếu có người bảo: Như Lai vô thường, thì người đó không thấy không biết Pháp tánh” (chương Như Lai tánh, Tứ y).
“Phật tánh tức là Pháp thân Như Lai. Thân Như Lai là thân thường trụ, bất sanh bất diệt, là thân kim cương vĩnh viễn bất hoại, đây tức là Pháp thân” (chương Thân Kim Cương).
Phật tánh là Chân Không Diệu Hữu:
“Pháp thân là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh lìa hẳn sanh già bệnh chết, chẳng phải trắng đen, chẳng phải cao thấp, chẳng phải đây kia, chẳng phải học vô học, Phật ra đời hoặc chẳng ra đời vẫn thường trụ, chẳng động, chẳng biến đổi. Các đệ tử của Ta nghe lời này mà chẳng hiểu được ý, bèn cho rằng Như Lai nói thân Phật là pháp vô vi”.
“Ta từng nói Phật tánh có đủ sáu tính chất: Một là Thường, hai là Thật, ba là Chân, bốn là Thiện, năm là Tịnh, sáu là Có Thể Thấy. Các đệ tử của Ta nghe lời này chẳng hiểu được ý bèn cho rằng Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có”.
“Ta lại nói Phật tánh của chúng sanh như hư không. Hư không chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải trong ngoài, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc, Phật tánh cũng như vậy. Các đệ tử của Ta nghe lời này chẳng hiểu được ý bèn cho rằng Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có”.
“Ta lại nói chúng sanh chính là Phật tánh, vì nếu rời chúng sanh thì chẳng được Vô thượng Bồ-đề” (chương Ca-Diếp Bồ-tát).
“Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị lôi kéo, chẳng bị bắt, chẳng bị trói buộc” (chương Sư tử hống Bồ-tát).
Qua những câu kinh này, chúng ta thấy Phật tánh là thường trụ, không biến đổi, trùm khắp, không bị nhiễm ô dù bị trọng tội hay biến mất bởi kẻ không tin (nhất xiển đề). Phật tánh chẳng hề rời ngoài chúng sanh, dù chúng sanh còn chưa biết nó.
Nghĩa chính yếu của Phật tánh là thường trụ, như Phật, Pháp, Tăng là thường trụ (chương Kim Cương Thân). Thường trụ có nghĩa là vẫn có ở đó, bất chấp chúng ta có biến đổi thế nào, bất chấp chúng ta có hiện hữu hay không.
Phật tánh nội tại trong ngã và pháp, nhưng siêu việt khỏi ngã và pháp. Kinh nói: “Tánh ngã và tánh Phật. Không hai không sai biệt” (chương Như Lai tánh). “Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, vốn không chỗ trụ. Dùng phương tiện khéo thì thấy được. Vì được thấy nên được Vô thượng Bồ đề (chương Quang Minh Biến Chiếu).
Phật tánh thì đồng nhất ở cả ba thừa: “Thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát đồng một Phật tánh như vậy…. Tại sao ba thừa không khác nhau? Sau này, các chúng sanh ấy mới tự hiểu rằng tất cả ba thừa là đồng một Phật tánh” (chương Như Lai tánh).
Chính vì đồng một Phật tánh, nên Phật giáo rốt lại chỉ có Nhất thừa: “Ba là đồng một vị: Tất cả chúng sanh đồng có Phật tánh, đều đồng Nhất thừa, đồng một giải thoát, một nhân một quả, đồng một cam lộ. Tất cả đều sẽ được thường, lạc, ngã, tịnh; đây gọi là đồng Một Vị” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát).
Kinh ví Phật tánh như biển cả chung cho mọi làn sóng hiện tượng chúng sanh: “Điều thứ tám là Phật tánh chẳng thêm chẳng bớt, vì không ngằn mé, vì không bắt đầu và chấm dứt, vì chẳng phải sắc, vì chẳng phải tạo tác, vì là thường trụ, vì chẳng sanh diệt, vì đều bình đẳng với tất cả chúng sanh, vì tất cả đồng một tánh là Phật tánh. Đây gọi là không thêm không bớt. Do đây nên kinh Đại Niết Bàn này có tám điều chẳng thể nghĩ bàn như biển cả kia” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát).
Trong Thiền tông, Lục tổ Huệ Năng gọi Phật tánh này là tự tánh: “Các thiện tri thức! Tự tánh Bồ đề xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ dùng tâm này bèn được thành Phật” (Phẩm Hành Do thứ nhất). “Thiện tri thức! Trong mỗi niệm mỗi niệm, thường tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo”.
Trong phẩm Hành Do thứ nhất, Lục tổ kể về cơ duyên ngộ tánh của mình: “Ngũ tổ giảng cho Lục tổ kinh Kim Cương, khi nghe tới câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, thì Huệ Năng ngay dưới lời nói đại ngộ, thấy rõ tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh. Mới thưa với Tổ rằng:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
Nào ngờ tự tánh vốn tự tròn đủ
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay
Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp”.
Lục tổ có giảng về Phật tánh trong phẩm thứ nhất như sau: “Phật nói: Thiện căn có hai: một là thường, hai là vô thường; mà Phật tánh chẳng phải thường chẳng phải vô thường, vậy nên chẳng dứt, ấy gọi là ‘chẳng hai’. Lại nữa, một là thiện hai là chẳng thiện, mà Phật tánh chẳng phải thiện chẳng phải chẳng thiện ấy gọi là pháp ‘chẳng hai’ Năm uẩn và mười tám giới từ nơi phàm phu thấy thành hai, con người trí thì rõ suốt tánh nó ‘không hai’, cái tánh ‘không hai’ ấy tức là Phật tánh”. (28 Tháng 6 2014 lúc 23:55).
Chúng sinh?...
“Lội trong nước chớ ngây thơ tìm nước.
Đi trên non đừng phí sức tìm non.”
Các hành pháp đều vô thường
Vì là pháp có sinh diệt
Hãy diệt ý niệm sinh diệt
Cái vui tịch diệt hiện tiền
…. người có ngã thì kiêu mạn, cống cao, luân chuyển sinh tử là không đúng lý. Cũng do vậy, người tu pháp quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, nếu không khéo thì chỉ biết danh tự mà không có thể biết thực nghĩa. Đây là bốn pháp đặc thắng, nên tu học. Vô thường cho là thường, thường cho là vô thường, là điên đảo. Khổ cho là vui, vui cho là khổ, đó là điên đảo. Vô ngã cho là ngã, ngã cho là vô ngã, là pháp điên đảo. Bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, đó là pháp điên đảo. Mắc phải bốn pháp điên đảo, ấy là người chưa biết pháp tu chân chính. Thế gian có thường, lạc, ngã, tịnh. Xuất thế gian cũng có thường, lạc, ngã, tịnh. Pháp thế gian có văn tự mà không có thực nghĩa. Xuất thế gian có văn tự, có thực nghĩa. Vì sao? Vì pháp thế gian có bốn thứ điên đảo cho nên không biết thực nghĩa. Ngoài bốn thứ điên đảo còn có tưởng điên đảo, tâm điên đảo và kiến điên đảo nữa. Vì có ba thứ điên đảo này cho nên người thế gian ở trong thường thấy vô thường, ở trong lạc thấy khổ, ở trong ngã thấy vô ngã, ở trong tịnh thấy bất tịnh. Đấy gọi là điên đảo. Vì điên đảo nên thế gian biết văn tự mà không biết thực nghĩa. Gì là thực nghĩa? Vô ngã gọi là sinh tử, ngã là Như Lai. Vô thường là Thanh Văn, Duyên Giác. Thường là Pháp Thân Như Lai. Khổ là tất cả ngoại đạo. Lạc là Giải Thoát Niết Bàn. Bất tịnh là pháp hữu vi. Tịnh là Bát Nhã Chánh Pháp của chư Phật - Bồ tát. Đấy gọi không điên đảo. Vì không điên đảo nên biết văn tự, biết thực nghĩa. Nếu muốn lìa khỏi những thứ điên đảo thì phải biết rõ: Thường Lạc Ngã Tịnh như vậy. Như Lai là pháp thường trụ chẳng biến đổi, thân Như Lai là thân biến hóa chẳng phải thân tạp thực. Vì độ chúng sinh nên thị hiện có sinh có diệt. Vì độ chúng sinh nên thị hiện bỏ thân mà nhập Niết bàn... (29 Tháng 6 2014 lúc 0:05).
- Pháp Không Chân Như: Hai chia sẻ của Tu Hieupy là vi diệu pháp. Rất hoan hỷ. Công đức vô lượng.
Tuy nhiên, trong ấy có vài chỗ cần phải biết cho rõ để khéo tránh hiểu nhầm, ấy là:
1. "Phật tánh chẳng phải thường chẳng phải vô thường" và "Phật tánh chẳng phải thiện chẳng phải chẳng thiện". Tu Hieupy hoan hỷ có thể cho biết hai câu trong ngoặc kép này là do Phật nói hay do Lục Tổ nói vậy.
2. "Phật tánh nội tại trong ngã và pháp, nhưng siêu việt khỏi ngã và pháp". Mọi người chẳng nên quán như vậy. Vì sao? Vì Phật tánh chính là ngã và Phật tánh chẳng phải nội tại trong pháp. Phật tánh chính là ngã nên Phật tánh chẳng phải siêu việt khỏi ngã. Phật tánh chẳng ở trong pháp cho nên chẳng nên quán Phật tánh siêu việt khỏi pháp.
3. "Chính vì đồng một Phật tánh". Câu này không tròn nghĩa và rất dễ gây hiểu lầm. Vì sao? Vì Mỗi chúng sinh có một và duy nhất Phật tánh. Tất cả chúng sinh chẳng phải có chung một Phật tánh.
4. "Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp” - Lục Tổ nói. Lục tổ nói "tự tánh" ở đây là tự tánh của chúng sinh - là Phật tánh. Lục Tổ nói như vậy, tôi quyết định cho rằng không "trúng". Vì sao? Phật tánh chẳng sanh bất cứ gì. Nói Phật tánh sanh ra thứ khác thì là nói Phật tánh chẳng tịnh. Chẳng tịnh thì chẳng được gọi là thường, lạc, tịnh. Phật đã dạy "Ta từng nói Phật tánh có đủ sáu tính chất: Một là Thường, hai là Thật, ba là Chân, bốn là Thiện, năm là Tịnh, sáu là Có Thể Thấy". (29 Tháng 6 2014 lúc 12:43).
Và lại nữa, Tu Hieupy, Lục Tổ nói "Năm uẩn và mười tám giới từ nơi phàm phu thấy thành hai, con người trí thì rõ suốt tánh nó ‘không hai’, cái tánh ‘không hai’ ấy tức là Phật tánh”. Nói "cái tánh 'không hai' ấy tức là PHẬT TÁNH" thì cũng không trúng. Vì sao? Vì cái tánh không hai ấy chính là tự tánh của vật chất chứ chẳng phải tự tánh của chúng sinh (Phật tánh). (4 Tháng 7 2014 lúc 10:40).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét