Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

NHÂN DUYÊN GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

"Cha mẹ có thể lựa chọn sinh con trai hay con gái cũng phụ thuộc vào công đức và phước báu của cha mẹ. Nếu cha mẹ muốn sinh con gái thì không phải chỉ muốn là được. Nếu cha mẹ muốn sinh con trai, không phải chỉ muốn là được. Khi họ muốn mà được đó cũng nhờ công đức và phước báu của họ." (Pháp Không Chân Như)
***
Nguyễn Đức Quang:
Kính bạch thầy! Thầy cho con hỏi:
(1) Nhân duyên giữa cha mẹ và con cái trong đời này như thế nào? Tại sao trong gia đình lại có đứa con bất hiếu với cha mẹ, có đứa lại hiếu thảo với cha mẹ?
(2) Sinh con trai hay con gái có phải là do nhân duyên giữa cha mẹ và đứa con đó có ân tình hoặc nợ nần nhiều đời, nhiều kiếp không ạ?
(3) Sinh con theo các phương pháp như khoa học nói và chứng minh trên sách, báo, tạp chí.... Theo cách nhìn nhận của Phật giáo về vấn đề này như thế nào?
(4) Con thấy hiện nay nhiều gia đình hay chọn ngày sinh cho con mình ra đời để đẻ mổ, với mong muốn con mình sinh ra được ngày tốt để cuộc sống được tốt hơn. Vấn đề này theo cách nhìn nhận của Phật giáo như thế nào ạ?
Kiến thức của con nông cạn, không được học nhiều nên sự hiểu của con còn nhiều hạn chế, không được như các đạo hữu trên facebook. Kính mong thầy từ bi, hoan hỷ giảng giải cho con và các đạo hữu khác được nghe. Nam Mô A Di Đà Phật!

Pháp Không Chân Như:
Nguyễn Đức Quang hoan hỷ làm rõ câu hỏi thứ ba (3). Tôi không hiểu đoạn "Sinh con theo các phương pháp như khoa học nói và chứng minh trên sách, báo, tạp chí" có ý như thế nào.

Nguyễn Đức Quang:
Dạ thưa thầy! Giờ trên internet và báo chí có đăng những bài viết nói cách sinh con theo phương pháp khoa học như: Quan hệ giới tính giữa các cặp vợ chồng theo ngày hoặc chu kì, kèm theo chế độ ăn uống và một số hình thức khác nữa thầy ạ...

Pháp Không Chân Như:
Nguyễn Đức Quang! Trước hết, sự thật này phải được đưa ra. Sự thật này là gì? Đó là mỗi chúng sinh từ vô thỉ đến nay đã tương tác với vô số chúng sinh khác trên ba khía cạnh, ân, oán, hoặc không ân oán. Điều này dẫn đến sự phức tạp chẳng thể luận bàn về hướng tương tác và nhân duyên tương tác để tạo nên quả hôm nay.

Nguyễn Đức Quang:
Con đang lắng nghe ạ.

Pháp Không Chân Như:
Mặt khác, kết quả hôm nay không chỉ là hướng tương tác và nhân duyên tương tác từ vô số chúng sinh khác do mình đã tương tác từ vô thỉ đến nay mà quan trọng hơn nữa, chính nghiệp của mình đã tạo ra. Vậy thì nói cho cùng, mọi hướng tương tác và mọi nhân duyên tương tác kia cũng chính do mình tạo ra. Vậy, kết luận, kết quả hôm nay đều do mình tạo ra.
Nguyễn Đức Quang có hiểu rõ được đoạn pháp vừa rồi không?

Nguyễn Đức Quang:
Dạ! Thưa thầy con hiểu ạ! Con vẫn đang lắng nghe thầy giảng ạ.

Pháp Không Chân Như:
Bây giờ, tôi sẽ giải đáp từng thắc mắc của ông bằng những trường hợp cụ thể trên những phương tiện cụ thể. Vì như trên đã nói, không thể luận bàn cho đủ.

Nguyễn Đức Quang:
Dạ vâng thầy ạ! Cái này có khi con hỏi chung chung quá thì phải. Chắc do sự tương tác nhân duyên giữa chúng sinh phức tạp nên nói tỉ mỉ hay chi tiết cũng khó.

Pháp Không Chân Như:
Không sao. Hỏi như vậy là được, tôi tùy duyên mà nói vậy.

Nguyễn Đức Quang:
Dạ! Để thầy cười chê rồi... Thầy hoan hỷ cho con.

Pháp Không Chân Như:
Nhân duyên giữa cha mẹ và con cái trong đời này như thế nào? Tại sao trong gia đình lại có đứa con bất hiếu với cha mẹ, có đứa lại hiếu thảo với cha mẹ?
Nguyễn Đức Quang! Kết quả hôm nay, cha mẹ và con cái không tự nhiên mà có, không tự nhiên mà thành, không tự nhiên mà được. Hoặc là nghiệp của ta tương ưng với cha mẹ của ta. Hoặc là ta có nghiệp tương ưng và đã có ân với cha mẹ của ta. Hoặc là ta có nghiệp tương ưng và đã có oán với cha mẹ của ta. Hoặc là ta có nghiệp tương ưng và không có ân oán với cha mẹ của ta. Những nhân duyên đó hình thành nên sự kết nối ta là con của cha mẹ ta.
Một đứa con bất hiếu. Hoặc là ta đã có oán với cha mẹ của ta. Hoặc là tại đời này cha mẹ đã huân tập cho ta sự bất hiếu. Hoặc là tại đời này, gia đình, dòng họ đã huân tập cho ta sự bất hiếu. Hoặc là tại đời này, xã hội đã huân tập cho ta sự bất hiếu. Hoặc là tại đời này, ta đã huân tâp sự bất hiếu. Hoặc là một số, hoặc là tất cả những thứ đó và ta đã huân tập sự bất hiếu. Ở đây, tính cộng nghiệp và biệt nghiệp đã thể hiện. Đem đến kết quả, ta là đứa con bất hiếu.
Một đứa con có hiếu. Hoặc là ta đã có nợ ân với cha mẹ của ta. Hoặc là tại đời này cha mẹ đã huân tập cho ta sự có hiếu. Hoặc là tại đời này, gia đình, dòng họ đã huân tập cho ta sự có hiếu. Hoặc là tại đời này, xã hội đã huân tập cho ta sự có hiếu. Hoặc là tại đời này, ta đã huân tâp sự có hiếu. Hoặc là một số, hoặc là tất cả những thứ đó và ta đã huân tập sự có hiếu. Ở đây, tính cộng nghiệp và biệt nghiệp đã thể hiện. Đem đến kết quả, ta là đứa con có hiếu.

Nguyễn Đức Quang:
A Di Đà Phật... Con đã hiểu đoạn này của thầy...
Chỗ này thầy giảng giống đoạn trong kinh địa tạng có nói "Con cái hiếu thảo với cha mẹ là do ân tình nhiều đời nhiều kiếp của cha mẹ với đứa con đó".

Pháp Không Chân Như:
"Sinh con trai hay con gái có phải là do nhân duyên giữa cha mẹ và đứa con đó có ân tình hoặc nợ nần nhiều đời, nhiều kiếp không ạ?"
Nguyễn Đức Quang! Trước hết, ta sẽ thành con trai hay con gái phải phụ thuộc vào công đức và phước báu của ta đã tích lũy được. Không phải ta thích ta là con trai thì ta sẽ tựu thành con trai. Không phải ta thích ta là con gái thì ta sẽ tựu thành con gái được.
Cha mẹ có thể lựa chọn sinh con trai hay con gái cũng phụ thuộc vào công đức và phước báu của cha mẹ. Nếu cha mẹ muốn sinh con gái thì không phải chỉ muốn là được. Nếu cha mẹ muốn sinh con trai, không phải chỉ muốn là được. Khi họ muốn mà được đó cũng nhờ công đức và phước báu của họ.
Nói đến đây, người nghe không kỹ có thể nói là mâu thuẫn. Tại sao lại nảy sinh ý mâu thuẫn? Vì như ta sẽ thành tựu con trai, mà cha mẹ kia lại muốn sinh con gái và họ đã sinh con gái. Vậy ta nghĩ nghiệp của ta là con trai sao lại là con gái? Mâu thuẫn? Không phải vậy. Khi cha mẹ muốn sinh con gái và đủ phước đức để sinh con gái theo nguyện vọng thì chủng tử có nghiệp tương ưng con gái và có nhân duyên cha mẹ sẽ kết hợp với họ để tựu thành con gái. Còn ta đây là con trai thì chắc chắn ta không có kết hợp ở họ mà kết hợp ở chỗ khác, nơi chỗ khác đó là cha mẹ của ta chứ không phải hai người sinh con gái là cha mẹ của ta.

Nguyễn Đức Quang:
Vậy nếu người mẹ muốn sinh đứa con trai nhưng người cha lại muốn sinh đứa con gái, vậy chỗ không đồng đó thì thế nào vậy thầy? Chỗ này, con chưa hiểu.

Pháp Không Chân Như:
Tùy theo công đức và phước báu của ai phù hợp ơn.

Nguyễn Đức Quang:
Vậy là do công đức của người nào mạnh hơn thì nghiệp tương đồng của đứa con đó sẽ theo đó mà chuyển thành trai hay gái đúng không ạ?

Pháp Không Chân Như:
Không phải vậy. Nghiệp tương ưng con gái thì không thể chuyển thành con trai được. Ngược lại cũng vậy.
Mà là chủng tử con trai tựu thành con trai chứ không phải chủng tử con gái chuyển thành con trai.

Nguyễn Đức Quang:
Dạ! Vậy con hiểu chỗ này rồi.... Vậy tại sao khi sinh đứa con gái ra đời thông thường đứa con đó hay nghiêng tình cảm dành bên cha nó nhiều hơn và ngược lại với đứa con trai vậy thầy?

Pháp Không Chân Như:
Đi quá xa rồi, Nguyễn Đức Quang.

Nguyễn Đức Quang:
Con xin lỗi... Thầy hoan hỷ cho... A di đà Phật.

Pháp Không Chân Như:
Trường hợp của Nguyễn Đức Quang vừa hỏi chủ yếu phát sinh từ tâm lý. Mà tâm lý này cũng do chấp trước, nhiễm trước mà có.

Nguyễn Đức Quang:
Dạ! Con cảm ơn thầy đã chỉ ra chỗ con chưa hiểu, một phần là tâm lý chấp trước như thầy nói, một phần là thắc mắc của con. Được thầy chỉ bảo cho con nay đã hiểu rõ hơn vấn đề...

Pháp Không Chân Như:
Nếu Nguyễn Đức Quang đã hiểu thì tôi hỏi để kiểm chứng. Nếu một cặp vợ chồng có phước đức phù hợp với nguyện vọng sinh con trai, họ đã can thiệp bằng phương pháp khoa học để sinh con. Và họ sinh con trai. Vậy trước đó chủng tử từ con gái chuyển nghiệp sang con trai hay từ đâu? Họ đã dùng khoa học để thay đổi giới tính của chủng tử hay là từ đâu mà có con trai?
(Trường hợp của Nguyễn Đức Quang vừa hỏi chủ yếu phát sinh từ tâm lý. Mà tâm lý này cũng do chấp trước, nhiễm trước mà có: ở đây tôi trả lời cho câu hỏi của ông về tại sao con gái thích cha, con trai thích mẹ, chứ không phải tôi đang nói trạng thái của ông).

Nguyễn Đức Quang:
Thưa thầy, con trả lời có sai mong thầy chỉ bảo cho:
Khoa học không thay đổi được giới tính của chủng tử đó, mà do nghiệp cảm tương đồng giữa cha mẹ và đứa con đó, cũng như nguyện vọng của cha mẹ đó.

Pháp Không Chân Như:
Nguyễn Đức Quang! Nghiệp cảm tương ưng giữa cha mẹ và chủng tử, và nguyện vọng của cha mẹ cũng chưa được đó là con gái hay con trai. Nếu cha mẹ được con trai là do chủng tử con trai kết vào. Nếu cha mẹ sinh con gái là do chủng tử con gái kết vào. Hai chủng tử này khác nhau. Nếu cùng một thời điểm có hai chủng tử con gái và con trai, mà cha mẹ sinh con trai thì có nghĩa là chủng tử con gái kết hợp với cha mẹ khác.
Các đoạn pháp trả lời cho câu hỏi thứ hai cũng đã trả lời cho câu hỏi thứ ba của Nguyễn Đức Quang.
Không có hành vi y học nào có thể cải thiện được nghiệp của ta. Nghiệp của ta là do ta tự giải nó. Nam mô Phật.

Nguyễn Đức Quang:
Dạ! Vâng ạ! Con đang đọc đi đọc lại đoạn pháp thoại của thầy để được rõ ràng hơn... Thật là may mắn khi hôm nay được thầy bớt chút thời gian giảng pháp cho con.
Đối với người tại gia như chúng con vẫn còn tham đắm trong luyến ái, gia duyên ràng buộc nhiều thứ nên vẫn còn chấp trước một số thứ. Nay con muốn tỏ ngộ nên lại nhọc công thầy chỉ bảo.

Pháp Không Chân Như:
Chư Phật không thể tự Ngài làm cho kẻ khác dứt trừ các pháp bất thiện cũng như đạt được trí huệ chân thật. Nếu làm được thì chư Ngài chẳng cần phải thuyết pháp làm gì cho tốn thời gian.
Chư Phật còn không thể huống chi là y học. Nguyễn Đức Quang.
Tôi luôn sẵn lòng để giúp cho mọi người được nhiều lợi lạc trên con đường đến với hạnh phúc đích thực. Nam mô Phật.

Nguyễn Đức Quang:
Con như kẻ lạc đường gặp được bậc thiện tri thức. Hôm nay được thầy chỉ bảo cho thật là may mắn cho con. Con sẽ ghi nhớ lời thầy dạy. 

2 nhận xét:

  1. Con nào cũng là con, con trai cũng là con , con gái cũng là con. Con hiếu hay bất hiếu đều là pháp.

    Trả lờiXóa
  2. cảm ơn bạn, bài viết của bạn thật bổ ích. bạn có thể tham khảo thêm những vật phong thủy tăng tình cảm vợ chồng tại đây
    hồ lô hòa hợp
    vòng tay phong thủy
    bảo liên hoa

    Trả lờiXóa