Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

CHƯ PHẬT BA ĐỜI CHẲNG BAO GIỜ TUYÊN THUYẾT CHÚNG SINH VÔ NGÃ.

"Nếu nói chúng sinh vô ngã thì khi chúng sinh đạt được giải thoát, thứ gì gọi là Phật? Chẳng có thứ gì gọi là Phật ư? Nếu chẳng có thứ gì gọi là Phật thì chẳng có Phật. Nếu có thứ gì gọi là Phật thì thứ đó là thường hằng vì Phật là thường hằng. Vì thứ đó thường hằng thì nó chẳng sanh, cũng chẳng bị sanh, chẳng diệt, cũng chẳng bị diệt, chẳng hư hoại, biến đổi. Vì vậy, nó chẳng sai khác khi chúng sinh chưa thành Phật và khi gọi là Phật." (Pháp Không Chân Như)
***
Phật dạy "sắc là vô ngã, thọ là vô ngã, các hành là vô ngã, tưởng là vô ngã, thức là vô ngã" (Kinh Vô Ngã Tướng).

Phật dạy "sắc là vô ngã", có hợp lý chăng khi hiểu lời dạy đó thành "chúng sinh vô ngã". Phật chỉ nói "sắc là vô ngã" mà kẻ nào dựa vào đó để cho rằng Phật dạy "chúng sinh vô ngã", là điên đảo. Vì mỗi chúng sinh đâu chỉ có mỗi sắc, mà không có thứ chi khác.

Cũng như vậy, Phật dạy "thọ, các hành, tưởng, thức là vô ngã", có hợp lý chăng khi hiểu lời dạy đó thành "chúng sinh vô ngã". Kẻ nào dựa vào đó để cho rằng Phật dạy "chúng sinh vô ngã", là điên đảo. Vì mỗi chúng sinh đâu chỉ có ngũ uẩn là sắc, thọ, các hành, tưởng, thức, mà không có thứ chi khác.

Phật dạy "sắc là vô thường, thọ là vô thường, các hành là vô thường, tưởng là vô thường, thức là vô thường. Phàm sắc gì, thọ gì, hành gì, tưởng gì, thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các cái ấy cần phải như thật quán với chánh trí huệ như sau: Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi" (Kinh Vô Ngã Tướng).

Phật dạy quán ngũ uẩn là vô thường, chẳng phải của ta, chẳng phải là ta, chẳng phải là tự ngã của ta. Có hợp lý chăng khi hiểu lời dạy đó thành "quán tất cả mọi thứ đều vô thường, chẳng có thứ gì của ta, chẳng có thứ gì là ta, chẳng có thứ gì là tự ngã của ta". Phật nói "ngũ uẩn là vô thường" mà kẻ nào dựa vào đó để cho rằng Phật dạy "tất cả mọi thứ đều vô thường", là điên đảo. Vì mỗi chúng sinh đâu chỉ có ngũ uẩn, mà không có thứ chi khác. "Ngũ uẩn" chẳng phải là "tất cả mọi thứ". Phật nói "ngũ uẩn đều vô ngã" mà kẻ nào dựa vào lời dạy đó để cho rằng Phật dạy "chúng sinh vô ngã", là điên đảo. Vì "ngũ uẩn" chẳng được gọi là "chúng sinh".

Chư Phật chẳng bao giờ nói tất cả mọi thứ đều vô thường.

Chư Phật chẳng bao giờ dạy cái gì thường hằng đều chẳng phải của ta, chẳng phải là ta, chẳng phải tự ngã của ta.

Chư Phật chẳng bao giờ nói chúng sinh vô ngã, hoặc tất cả chúng sinh đều vô ngã.

Nếu nói chúng sinh vô ngã thì khi chúng sinh đạt được giải thoát, thứ gì gọi là Phật? Chẳng có thứ gì gọi là Phật ư? Nếu chẳng có thứ gì gọi là Phật thì chẳng có Phật. Nếu có thứ gì gọi là Phật thì thứ đó là thường hằng vì Phật là thường hằng. Vì thứ đó thường hằng thì nó chẳng sanh, cũng chẳng bị sanh, chẳng diệt, cũng chẳng bị diệt, chẳng hư hoại, biến đổi. Vì vậy, nó chẳng sai khác khi chúng sinh chưa thành Phật và khi gọi là Phật. Vì nghĩa này nên nói chúng sinh có thứ đó, thứ mà thường hằng, không biến đổi, thứ mà khi chúng sinh được giải thoát thì gọi là Phật. Thứ đó chính là ngã của chúng sinh. Ngã cũng chính là Phật tánh, là Như Lai tạng. Ngã, Phật tánh, Như Lai tạng, ba danh tự này chỉ có chung nghĩa, không sai khác. Đó là thứ mà tất cả chúng sinh đều có.

Tất cả chúng sinh đều có ngã.

Ngã chẳng ở trong thân, chẳng ở ngoài thân, cũng chẳng ở chặng giữa. Ngã chẳng có chỗ. Nghe vậy mà hiểu rằng nếu ngã chẳng có chỗ thì chẳng có ngã là hiểu sai lầm. Nghe vậy mà hiểu rằng ngã ở khắp tất cả chỗ là điên đảo. Ví như một khối nước, trong một khối nước đó có ổ bánh mì nhỏ. Nói "một khối nước" đó nằm trong ổ bánh mì thì chẳng trúng. Nói "một khối nước" đó nằm ngoài ổ bánh mì thì chẳng trúng. Nói "một khối nước" đó nằm ở chặng giữa cũng chẳng trúng. Vì nước trong ổ bánh mì đó không đủ "một khối nước", nước ngoài ổ bánh mì đó cũng chẳng đủ "một khối nước", "một khối nước" cũng không thể nằm ở chặng giữa được. Nói "một khối nước" ở khắp tất cả chỗ trong "một khối nước" thì điên đảo. Vì không thể mỗi chỗ trong "một khối nước" đó đều chứa "một khối nước". Nếu mỗi chỗ trong "một khối nước" đều chứa "một khối nước" thì chẳng phải trong "một khối nước" có vô số khối nước ư? Một khối nước dụ cho ngã của chúng sinh, ổ bánh mì dụ cho thân của chúng sinh, một khối dụ cho không gian của Vũ Trụ.

Ngã của mỗi chúng sinh trùm khắp Vũ Trụ.

Nói mỗi ngã của mỗi chúng sinh là một tiểu ngã, các tiểu ngã sẽ hợp nhất thành một ngã duy nhất gọi là đại ngã. Nói như vậy là tà kiến. Mặc dù mỗi ngã trùm khắp Vũ Trụ nhưng các ngã không bao giờ hợp nhất thành một ngã. Mỗi ngã là một tồn tại độc lập sở hữu bởi chính nó. Mỗi ngã không thể chia tách thành nhiều ngã, nhiều ngã cũng không thể hợp nhất thành một ngã.

Ở chỗ nào nói Phật giáo chủ trương vô ngã là tà kiến. Vì đó là cách nói "quơ đũa cả nắm". Chư Phật chẳng bao giờ có chủ trương như vậy. Ở chỗ nào đó nói "vô ngã" là pháp ấn để xác minh kinh điển nào do Phật thuyết, kinh điển nào chẳng phải do Phật thuyết là nói không trọn nghĩa, khiến cho nhiều người hiểu nhầm. Chư Phật ba đời chẳng bao giờ tuyên thuyết chúng sinh vô ngã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét