"Người học đạo cần phải có tinh thần quyết chí hiểu rõ đúng lời chư Phật dạy. Sự hiểu như vậy là kim chỉ nam để tu tập và là cội gốc đến được giác ngộ. Không hiểu hoặc hiểu sai lời chư Phật dạy sẽ như người lạc trong rừng rậm nhưng không có la bàn hoặc la bàn bị sai lệch mà không hay biết. Cho nên, học đạo thì phải học, hỏi và quán xét cho tường tận trước khi ứng dụng.
Học đạo có ba hạng người. Một là sợ người khác đánh giá thấp nên không hỏi, hạng này chẳng khác kẻ lạc trong rừng như đã nói. Hai là vì đã rõ tường mà không hỏi, hạng này là bậc thiện tri thức. Ba là vì muốn biết tường tận mà hỏi, nên biết hạng này đã có nhiều kiếp tu hành, căn lành đầy đủ, sớm thành bậc thiện tri thức." (Pháp Không Chân Như).
***
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-tát: “Nầy thiện-nam-tử! Thế nào là Tứ-Đảo? (bốn điều điên đảo) “Nơi chẳng phải khổ tưởng cho là khổ”, gọi là điên đảo. Chẳng phải khổ chỉ cho Như-Lai.***
Tưởng cho là khổ, tức là cho rằng Như-Lai là vô thường biến đổi.
Nếu có người nói Như-Lai là vô thường, đây gọi là tội khổ rất lớn.
Nếu nói Như-Lai khi xả thân khổ nầy để nhập Niết-bàn như củi hết lửa tắt, đây gọi là chẳng phải khổ mà tưởng cho là khổ. Chính đó là điên đảo.
Nếu ta nói rằng: Như-Lai là thường thời là chấp ngã, vì chấp ngã nên có vô lượng tội, thế nên phải nói Như-Lai là vô thường, nói như thế thời ta vui thích.
Như-Lai là vô thường chính đó là khổ, nếu đã là khổ thế nào sanh vui. Bởi ở trong khổ tưởng cho là vui nên gọi là điên đảo.
Nơi vui tưởng cho là khổ, gọi đó là điên đảo. Vui tức là Như-Lai. Khổ tức là Như-Lai vô thường. Nếu nói Như-Lai là vô thường đây gọi là nơi vui tưởng cho là khổ.
Như-Lai thường trụ, gọi là vui.
Nếu ta nói rằng : Như-Lai là thường, sao lại nhập nơi Niết-bàn. Nếu nói Như-Lai chẳng phải là khổ, sao lại bỏ thân mà diệt độ. Bởi ở trong vui tưởng cho là khổ nên gọi đó là điên đảo. Các điều tưởng lầm như trên gọi là sự điên đảo thứ nhứt.
“Vô-thường tưởng là thường, thường tưởng là vô-thường”, đây gọi là điên đảo.
Vô thường chỉ chẳng tu pháp không. Vì chẳng tu pháp không nên thọ mạng ngắn ngủi.
Nếu có người cho rằng chẳng tu pháp không tịch thời đặng trường thọ. Quan niệm đó gọi là điên đảo. Đây là sự điên đảo thứ hai.
“Vô-ngã tưởng là ngã, ngã tưởng là vô-ngã”, đây là điên đảo.
Người đời cũng nói có ngã, trong Phật pháp cũng nói có ngã.
Người đời dầu nói có ngã nhưng không có Phật tánh, đây thời gọi là nơi vô-ngã mà tưởng là ngã gọi đó là điên đảo.
Phật pháp nói có ngã tức là Phật tánh. Người đời lại nói Phật pháp không ngã, đây gọi là nơi ngã tưởng là vô ngã. Nếu nói Phật pháp quyết định vô ngã nên đức Như-Lai dạy hàng đệ tử tu tập pháp vô ngã. Lời trên đây là điên đảo. Đây là điều điên đảo thứ ba.
Tịnh tưởng là bất tịnh, bất tịnh tưởng là tịnh, đây gọi là điên đảo.
Tịnh chính là Như-Lai thường trụ, chẳng phải thân tạp thực, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải thân thịt, chẳng phải là thân gân xương ràng rịt.
Nếu có người nói rằng Như-Lai là vô thường, là thân tạp thực, là thân thịt, là thân gân xương ràng rịt, cũng cho rằng Pháp, Tăng, Giải thoát đều là diệt tận, đó gọi là những quan niệm điên đảo vì tịnh mà cho là bất tịnh.
Bất tịnh tưởng cho là tịnh, gọi đó là điên đảo.
Nếu có người nói rằng trong thân của ta đây không có một pháp nào là bất tịnh cả, bởi không có bất tịnh nên quyết định sẽ đặng vào nơi chỗ thanh tịnh. Thuyết tu bất tịnh quán của Như-Lai là thuyết hư-vọng.
Trên đây là quan niệm điên đảo. Đó gọi là điều điên đảo thứ tư”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Từ nay tôi mới đặng chánh kiến. Bạch thế-Tôn, trước đây chúng tôi đều là người tà kiến cả.
(Kinh Đại Bát Niết Bàn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét