Thứ Năm, 13 tháng 4, 2017

PHẢI HIỂU ĐƯỢC MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA TU TẬP

"Mỗi thời, con người cũng có những thay đổi về cách nghĩ. Không ít người cần hiểu được mục đích cuối cùng cho những việc họ đang làm là gì? Trong tu hành cũng vậy. Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau hiện tại mà không thoát khỏi luân hồi khổ đau thì không phải là con đường mà chư Phật đã dạy. Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau và không trở lại trạng thái như vậy nữa, tức không còn luân hồi khổ đau thì đó là con đường mà chư Phật đã dạy." (Pháp Không Chân Như)
***
Chân Như Tuệ Quang: 
Bài pháp cốt lõi có hai phần: Một là sự thật của "vi trần" tức là hạt vật chất cội gốc. Có vô số hạt vật chất và có vô số kích thước lớn nhỏ khác nhau, có vô số hạt vật chất cội gốc nhỏ hơn nguyên tử và có vô số hạt vật chất lớn hơn nguyên tử. Điều này cho ta biết rằng nguyên tử nhỏ nhất mà khoa học đã kết luận chưa phải là hạt nhỏ nhất. Vậy kết luận của khoa học chỉ mang tính chất tương đối chưa phải là tuyệt đối như "vi trần" mà Phật thuyết trong kinh. Từ đó giúp ta biết được nguyên tử không phải là vi trần.
Hai là "tâm". Tâm không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chặng giữa của thân mà tâm trùm khắp vũ trụ nghĩa là không gian của tâm bằng với không gian của vũ trụ. Ví như đứng trên trái đất thì ta có thể chỉ được mặt trăng và nếu chúng ta đang đứng trên mặt trăng thì làm sao chỉ được cái gọi là mặt trăng, (mặt trăng dụ cho tâm). Cũng như vậy ta đang ở trong vũ trụ thì làm sao chỉ được cái gọi là vũ trụ. Nếu ai bảo người khác chỉ tâm thì giống như kêu người đó chỉ vũ trụ. Bài pháp này giúp ta hiểu được trong thân có chất liệu của tâm, (mà chất liệu của tâm là tâm từ bi, thiện tâm, cái chất liệu đó là chất liệu của chơn tâm - chất liệu của Phật tánh, chất liệu của sự sáng suốt, chất liệu của sự giác ngộ vì vậy tất cả mọi người đều có chất liệu của sự giác ngộ như Phật đã từng nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh). Như vậy tâm như thế nào thì sẽ tương ưng với cảnh giới đó. Tâm thì có tâm vọng và tâm chơn mà tâm vọng tức là mê, tâm chơn tức là giác. Vậy mê và giác không ngoài tâm.
Nếu nhận định của con còn gì sai sót xin thầy Pháp Không Chân Như chỉ dạy cho con.

Pháp Không Chân Như: 
Chân Như Tuệ Quang, nếu muốn so sánh vi trần với nguyên tử hoặc vi trần với vi trần thì chỉ nên so sánh về khối lượng (lượng chất liệu), không nên so sánh lớn nhỏ về thể tích. Vì sao vậy? Vì mỗi vi trần chuyển biến liên tục về hình dáng và thể tích. Lúc này, nó có thể co nhỏ như hạt bụi, lúc khác nó có thể giãn nở to hơn thiên hà mặc dù khối lượng của nó không thay đổi. Một hạt electron có thể nhỏ đến một phần triệu na-nô-mét, cũng có thể nở to hơn quả bóng mặc dù khối lượng của nó không thay đổi. Lúc này, hạt vi trần này co nhỏ nằm trong hạt vi trần kia, lúc khác hạt vi trần kia cũng có thể co nhỏ nằm trong hạt vi trần này. Một đại thiên thế giới có thể co nhỏ hơn hạt bụi, cũng có thể giãn nở to hơn thiên hà. Đem để một nguyên tử ở vùng rìa bầu khí quyển thì nó sẽ to hơn khi nó ở mặt đất. Đem để một nguyên tử ở sâu trong lòng đất vài ngàn ki-lô-mét, nó sẽ nhỏ hơn khi nó ở mặt đất. Sự chuyển biến như vậy là vì hạt vi trần có ba thuộc tính: tính phân tranh không gian, tính phân bố có trung tâm và tính cân bằng. Ba tính này của vi trần thì tôi đã giảng cho ông trong các bài Tánh Không. Lời này của tôi vô cùng quý báu, là chân lý vô song, dù có đem tất cả vật báu trong Vũ Trụ cũng không thể sánh được. Ông hãy ghi nhớ lời này.

Hán Thanh Tùng:
Mô Phật. Một số Phật tử Nam Tông cho rằng tâm đó giống khái niệm Đại Ngã của Bà La Môn giáo. Vậy chân Tâm của Bắc Tông giống và khác quan niệm Đại Ngã của Bà La Môn như thế nào ạ. Mong thầy từ bi khai thị.

Pháp Không Chân Như: 
Hán Thanh Tùng, theo ông hiểu thế nào là Đại ngã? Ông hoan hỷ nói cụ thể và đúng theo thuyết của Ba La Môn Giáo. Dựa vào đó, tôi sẽ nói cho nghe chỗ khác nhau giữa Đại ngã và Phật tánh.

Hán Thanh Tùng: 
Theo quan niệm của bà la môn giáo thì chúng sinh có tiểu ngã khi chết sẽ trở về với đại ngã. Đại Ngã giống như biển lớn còn tiểu ngã giống như mỗi giọt nước tượng trưng cho một chúng sinh.

Pháp Không Chân Như: 
Theo thuyết của Ba La Môn Giáo thì Đại ngã là một thể duy nhất hay được cấu tạo từ nhiều tiểu ngã. Tức là, các tiểu ngã nhập đồng nhất thành Đại ngã duy nhất và không còn tiểu ngã tồn tại hay Đại ngã là một tập hợp các tiểu ngã vậy Hán Thanh Tùng?

Hán Thanh Tùng: 
Thưa thầy. Theo thuyết của Bà la môn thì các tiểu ngã được tạo thành từ đại ngã. Chúng sinh luân hồi với tiểu ngã. Nhờ tu tập nên chấm dứt luân hồi trở về với đại ngã.

Pháp Không Chân Như: 
Hán Thanh Tùng, Phật tánh của mỗi chúng sinh là một thể tồn tại độc lập sở hữu bỡi chính nó. Nó không được chiết ra từ một thể khác và các Phật tánh không nhập thành một thể duy nhất. Đó là sự khác nhau giữa sự thật về Phật tánh và quan niệm Đại ngã hoặc Tiểu ngã trong thuyết Bà La Môn giáo.
Hán Thanh Tùng! Mỗi khi tôi đã trả lời xong câu hỏi của ông thì ông nên thể hiện cho tôi biết về sự tiếp nhận hoặc kết quả mà ông thu được là như thế nào. Ông đã hiểu hay không hiểu, đồng thuận hay không đồng thuận, hoan hỷ hay không hoan hỷ,... Chẳng nên im lặng như vậy.

Hán Thanh Tùng: 
Thực lòng thì con hiểu Phật tánh là một khái niệm tương tự như chánh niệm tỉnh giác, phòng hộ 6 căn. Con nghĩ điều quan trọng nhất là giải thoát mình khỏi tham dục, hữu ái, phi hữu ái. Không cần thiết lý luận quá nhiều mà xa với mục đích cuối cùng của đạo Phật là giải thoát con người khỏi ham muốn dục vọng, hỷ lạc khi thiền định. Mục đích của đạo Phật là như vậy chứ nếu sa đà quá vào lý luận thì không nên. Tranh cãi về Phật tánh có phải chỉ là duyên xúc hay không giữa Nam và Bắc tông ở trên mạng quá nhiều rồi. Theo con thì tranh luận như vậy không cần thiết. Quan trọng là chúng ta phải nhiếp phục được 6 căn, không phóng dật, đạt được an lạc ngay trong hiện tại.
Theo như Kinh Lăng Nghiêm nói thì Phật tánh không nằm trong ngũ uẩn, không nằm ngoài ngũ uẩn, không nằm ở giữa. Con hiểu là bởi vì có ái ngũ uẩn cho nên chúng ta bị kẹt vào tướng. Nếu như theo kinh Nikaya thì Phật không trả lời câu hỏi: Như Lai là còn hay không còn hay vừa còn vừa không còn,... Phật chỉ nói ngũ uẩn vô thường. bởi vì chấp thủ 5 uẩn là ta, là của ta nên mới rơi vào thường kiến, đoạn kiến. Nếu như không còn chấp thủ 5 uẩn là ta, là của ta nữa thì còn hay không còn đâu phải là vấn đề gì quan trọng. Mục đích của đạo Phật là đem lại cho con người cuộc sống an lạc ngay trong hiện tại mà không cần thỏa mãn dục vọng, không tham đắm vào hỷ lạc khi thiền định. Thưa thầy con hiểu là như vậy.
Con có xem một bài giảng của một thầy giảng trên youtube về đoạn Phật hỏi ngài Anan về Phật tánh nằm ở đâu. Cuối cùng thì thầy rút ra kết luận là ý Phật muốn nói tâm đó là không thật. Mục đích Phật muốn nói với đệ tử là đừng để cho tâm bị tham đắm, bị chạy theo khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần. Còn Phật tánh có thật hay không, thường hay vô thường thì con chưa thực chứng nên không dám nói. Theo con cái dễ thấy nhất và cũng là quan trọng nhất đối với phàm phu là phải luôn chú tâm tỉnh giác, phòng hộ 6 căn, sống thiểu dục tri túc, tinh tấn trong việc học kinh sách, thực hành thiền định, cẩn trọng đối với thân, khẩu, ý, phải cảnh giác đối với tham dục, sân hận, độc ác.

Pháp Không Chân Như: 
Hán Thanh Tùng! Tu hành như ông nói thì tôi tán thán, không có quở trách. Ông tu như vậy thì ông cứ tự và nên khuyến khích người khác tu như vậy.
Tuy nhiên mỗi người có thể có cách nghĩ khác nhau. Mỗi thời, con người cũng có những thay đổi về cách nghĩ. Không ít người cần hiểu được mục đích cuối cùng cho những việc họ đang làm là gì? Trong tu hành cũng vậy. 
Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau hiện tại mà không thoát khỏi luân hồi khổ đau thì không phải là con đường mà chư Phật đã dạy. Nếu nói tu để giải thoát khỏi vô thường khổ đau và không trở lại trạng thái như vậy nữa, tức không còn luân hồi khổ đau thì đó là con đường mà chư Phật đã dạy.
Như vậy, nếu nói tu để thoát khỏi luân hồi khổ đau thì hoặc là ta còn thường hằng (không thể còn mà còn vô thường được vì còn mà còn vô thường, tức là chưa giải thoát khỏi vô thường khổ đau) hoặc là ta đoạn diệt, không có trường hợp thứ ba. Nếu có nói trường hợp thứ ba thì con người, chẳng ai nghe, nên chẳng có lợi ích khi nói.
Như vậy, dù là ông hay là Phật tử nào khác, không thể nói rằng tu để đoạn diệt. Như vậy, chỉ có thể là tu để thoát khỏi luân hồi khổ đau, tức được thường hằng an lạc. Vậy thì, cái thường hằng an lạc kia, ông hay là Phật tử khác có thể không cần thiết phải gọi nó là Phật tánh hay chân ngã hay chân tâm, hay bản thể tâm linh,... mà có thể gọi nó bằng bất cứ cái tên gì mình thích hoặc không cần cho nó cái tên, đều được cả.
Nhưng đừng có tuyên bố tu để đoạn diệt hoặc mãi vô thường.
Người tu hành cần phải có những quán xét nghiêm túc và nghiêm túc với cái tâm của mình, chẳng thể để nó quấn lấy trí tuệ của ta. Khi ta quán xét và thẩm sát một tri kiến, ta phải nghiêm túc với kết quả, chẳng nên vì chấp thủ mà thừa nhận hoặc bao che sự sai lầm, chẳng nên vì chấp thủ mà phủ nhận hoặc thờ ơ sự đúng đắn.

(Hoàng Lạc: kết tập)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét