Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

TẠO NGHIỆP VÀ GIẢI NGHIỆP

"Pháp tu không sát sanh là pháp tu tích lũy phước báu và công đức. Phàm làm việc gì làm cho sanh khởi, làm cho sung mãn, làm cho tăng trưởng thiện tâm và trí tuệ của kẻ khác là phần phước báu của ta. Phàm làm việc gì đưa đến sanh khởi, làm cho sung mãn, làm cho tăng trưởng thiện tâm và trí tuệ của ta là công đức của ta. Công đức của ta là giá trị của sự tăng trưởng thiện tâm và trí huệ trong ta." (Pháp Không Chân Như)
***
Chân Như Vô Ngại: 
Bạch Sư phụ! Con xin có câu hỏi như sau:

1. Con hiểu như vầy, bất kỳ hành động nào, dù gián tiếp hay trực tiếp, vô ý hay cố ý, dẫn đến việc chúng sanh bị giam giữ, bị khổ đau thân xác hoặc bị chết đều là sát sanh, là gây nghiệp sát sanh đúng không ạ? Trước giờ, con thấy có nhiều người nói tâm không cố ý sát sanh mà vô tình giết hại thì không có tội. Nói như vậy là không đúng phải không ạ? Ví như có người lái xe, vô ý lơ là gây tai nạn chết người. Quả báo trên thế gian là người này đã bị pháp luật xử tội chứ chưa nói đến nhân quả.

2. Con có ví dụ như vầy mong Sư phụ giảng dạy cho con: Ví như có người bị nghiện, quyết tâm xin vào trại để cai nghiện. Người giam giữ người này có bị mắc tội sát sanh hay không?

3. Con thấy có nhiều người khi ăn chay cứ hay bàn món này ngon món kia ngon, vẫn tưởng tượng đây là món mặn. Hành vi như vậy có phải là sát sanh không ạ?

4. Người chưa có tâm không sát sanh nhưng do sợ quả báo nên thực hành việc không sát sanh. Người này chỉ có phước báu không bị sát hại mà không có công đức vô lượng về tăng trưởng tâm từ, bi, hỷ, xả phải không ạ?

Mong Sư phụ hoan hỷ chỉ dạy cho con. Con xin tri ân Sư phụ ạ. 
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu Ni Phật.

Pháp Không Chân Như: 
Chân Như Vô Ngại! Trong Vũ Trụ không tồn tại kẻ đại diện ghi chép hoặc phán quyết tội của bất cứ ai. Ví như truyền thuyết dân gian cho rằng ông Táo ghi chép tội trạng của con người. Việc ấy không xảy ra. Ví như truyền thuyết dân gian cho rằng Diêm Vương xử tội kẻ ác khi bị đọa địa ngục. Việc ấy không xảy ra. Tội của chúng sanh chính là nghiệp ác báo của chúng sanh đó.

Nghiệp của chúng sanh có hai loại. Nghiệp của chúng sanh đó được hình thành trong tâm của chúng sanh đó, gọi tắt là nội nghiệp. Nghiệp của chúng sanh đó được hình thành trong tâm của kẻ khác, gọi tắt là ngoại nghiệp.

Này chân tử! Thế nào là nội nghiệp? Kẻ này thường tưởng đến, thường nghĩ đến, thường tác ý, thường hành vi thiện hoặc ác. Việc thiện, việc ác đó được tâm thức ghi nhận như một định dạng thông tin và được lưu trữ trong tâm thức của kẻ này. Thông tin do kẻ này tạo tác, được định dạng và lưu trữ trong tâm thức của kẻ này gọi là nghiệp trong tâm của kẻ này. Khi nghiệp này gặp đủ nhân duyên tương ưng với định dạng của nó thì chúng phối hợp với nhau hiển lộ thành sự vật hiện tượng thông qua kẻ này nên gọi là nghiệp báo. Nội nghiệp là tác nhân chính dẫn dắt chúng sanh thọ thân trong lục đạo luân hồi. Chúng sanh được thọ thân ở cõi tốt hay xấu, môi trường tốt hay xấu, cha mẹ tốt hay xấu, gia đình tốt hay xấu, thân tốt hay xấu,... là phụ thuộc chủ yếu vào nội nghiệp.

Thế nào là ngoại nghiệp? Này chân tử! Kẻ này từng có những hành vi thiện hoặc ác. Những kẻ khác chịu ảnh hưởng bởi hành vi thiện, ác đó thì được tâm thức của họ ghi nhận như một định dạng thông tin và được lưu trữ trong tâm thức của họ. Thông tin do kẻ này tạo tác, được định dạng và lưu trữ trong kẻ khác gọi là ngoại nghiệp. Thông thường hành vi tạo tác của kẻ này có tính ảnh hưởng mạnh thì mới có thể tạo thành ngoại nghiệp. Nghiệp báo của ngoại nghiệp có hai dạng. Một là được đền đáp, được hộ trì, được giúp đỡ. Hai là bị trả thù, bị đòi lại công bằng, bị đòi nợ.

Ví như ngài Mục Kiền Liên, là một bậc đắc đạo Bồ tát nhưng ngài không tránh được sự giết hại. Có kẻ cho rằng ta tu đắc đạo thì nghiệp ác liền được tiêu trừ. Không phải vậy. Này chân tử! Bản thân ta tu hành đắc đạo thì nội nghiệp ác được tiêu trừ và ngay lập tức. Như ánh sáng và bóng tối. Thiện tâm phát triển thì ác tâm tự mất. Còn đối với ngoại nghiệp thì không như vậy vì nó phụ thuộc vào kẻ khác. Kẻ đang cố chấp tạo tác đó của ta có tha thứ cho ta hay không, hay là kẻ đó quyết phải đòi cho bằng được. Có kẻ sẽ tha thứ cho ta khi thấy ta đã quay đầu, đã trở thành kẻ lương thiện, đã trở thành kẻ thánh thiện, đã giúp đỡ nhiều kẻ khác, đã cứu độ nhiều kẻ khác. Có kẻ vẫn cố chấp tạo tác đó của ta mà đòi cho bằng được. Khi ta gặp phải kẻ như vậy thì không có cách nào khác là ta phải trả nợ cho họ. Như ngài Mục Kiền Liên đã quyết định trả nợ bằng cách để cho kẻ khác giết hại.

Cũng như vậy, khi ta vô ý làm một việc mà việc đó dẫn đến chúng sanh bị giam giữ, bị khổ đau thân xác hoặc bị chết thì ngoại nghiệp này phụ thuộc vào kẻ khác. Ta không thể kết luận rằng ta có tội nghĩa là có ngoại nghiệp ác, hay không có tội nghĩa là không có ngoại nghiệp ác, vì ngoại nghiệp này còn phụ thuộc vào kẻ khác. Nếu như không có kẻ khác cố chấp tạo tác này của ta thì ta không có tội, ta không phải trả nợ. Nhưng nếu có kẻ khác cố chấp tạo tác này của ta và đòi cho bằng được thì ta có tội, ta phải trả nợ.

Này chân tử! Bất cứ ai cũng đều không có quyền giam giữ, quyền làm khổ đau thân xác, quyền giết hại kẻ khác. Ba quyền này là quyền bất khả chuyển nhượng. Nghĩa rằng, có kẻ nói rằng ta cho phép ông giam giữ ta, ta cho phép ông làm khổ đau thân xác ta, ta cho phép ông giết chết ta. Này chân tử! Không ai nhận được cái quyền đó trở thành quyền sở hữu của mình mặc dù kẻ khác đã cho ta cái quyền đó. Ví như tôi nói rằng tôi cho ông công đức của tôi. Ông chẳng nhận được mặc dù tôi cho phép. Ví như một người nghiện ma túy, quyết tâm cai nghiện. Vị này đến gặp tôi và bảo tôi hãy giam giữ vị ấy. Này chân tử! Khi ấy, tôi không có quyền giam giữ vị ấy mặc dù vị ấy cho phép. Tôi chỉ có thể giúp đỡ vị ấy trong quá trình cai nghiện như thuốc men, điều kiện cai nghiện, môi trường sinh hoạt, và giúp vị ấy như giúp một người bạn thân. Nếu vị ấy muốn bỏ đi, tôi không có quyền giữ lại. Cho nên, này chân tử, nếu ai hoặc là cá thể hoặc là một tập thể, cho rằng ta có quyền giam giữ, quyền làm khổ đau thân xác, quyền giết hại kẻ khác thì kẻ đó đang tự dựng quyền chứ thật không có được ba quyền đó.

Này chân tử! Khi tưởng gì, nghĩ gì, tác ý gì, hành vi gì thì không nên để nó làm giảm thiện tâm, sanh khởi, tăng trưởng ác tâm. Khi tưởng gì, nghĩ gì, tác ý gì, hành vi gì thì nên hướng cho ác tâm bị tiêu trừ, làm cho sanh khởi, làm cho sung mãn, làm cho tăng trưởng thiện tâm.

Pháp tu không sát sanh là pháp tu tích lũy phước báu và công đức. Phàm làm việc gì làm cho sanh khởi, làm cho sung mãn, làm cho tăng trưởng thiện tâm và trí tuệ của kẻ khác là phần phước báu của ta. Phàm làm việc gì đưa đến sanh khởi, làm cho sung mãn, làm cho tăng trưởng thiện tâm và trí tuệ của ta là công đức của ta. Công đức của ta là giá trị của sự tăng trưởng thiện tâm và trí huệ trong ta.

Chân Như Vô Ngại: 
Hay quá Sư phụ ạ. Con chưa bao giờ nghe được bài pháp như của Sư phụ. Đây đúng là pháp chưa từng nghe. Đây là lời nói thành thật của con. Con cám ơn Sư phụ rất nhiều. Nguyện cho Sư phụ sớm tròn thành quả Phật.
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

Nguyện Như Ý: 
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật. Nam mô Sư phụ. Chúc Sư phụ và huynh đệ tỷ muội ngày mới an lạc và tinh tấn.

Chân Như Tuệ Không: 
Nam mô A di đà Phật.

Quảng Pháp: 
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

Chân Như Tuệ Quang: 
Cho con xin đảnh lễ Sư phụ Pháp Không Chân Như.
Bài pháp đã làm sáng tỏ thắc mắc trong lòng con. Đã từ lâu con cứ nghĩ tại sao lại có Diêm Vương, ngục tốt để phân xử và ghi nhận những tội lỗi của từng người. Con cứ nghĩ mãi tại sao họ có quyền đó, quyền đó trái với luật nhân quả, và con cứ nghĩ họ tu hạnh gì mà có quyền như vậy. Con tin có địa ngục nhưng không tin là có kẻ quản ngục. Nếu tâm như thế nào thì lúc chết sẽ được cảnh giới như thế đó.
Nam mô thập phương Tam Bảo thường trụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét