Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Phẩm: NÓI VỀ TỤNG KINH

"Chư Phật tử! Những ai tụng kinh với ý nghĩ như sau là đúng pháp. 
Vị ấy nghĩ: Đây là lời Phật, chư đại Bồ tát dạy. Tôi cần phải hiểu rõ lời dạy của chư Ngài. Lời chư Ngài dạy, từng từ, từng cú pháp, từng đoạn, từng đề mục, từng phẩm rất kỹ càng, rất giá trị, không thừa không thiếu, thâm sâu vi diệu. Vì vậy, tôi cần phải đọc kỹ, cần phải suy nghĩ kỹ, cần phải quán chiếu kỹ từng từ, từng cú pháp, từng đoạn, từng đề mục, từng phẩm để hiểu biết đầy đủ, để hiểu biết chính xác.." (Pháp Không Chân Như)
***
Pháp Không Chân Như: 
Những ai muốn hiểu biết về tụng kinh một cách đúng đắn, hoan hỷ nói lên tại đây. Nam mô Phật.

Nguyễn Đình Lân:
Việc chia sẻ này sẽ làm lợi ích cho chúng sinh. Kính mong Thầy hãy nói lên sự chia sẻ!

Pháp Không Chân Như:
Nguyễn Đình Lân! Yêu cầu của ông đưa đến lợi ích cho đa số, hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số. Tôi sẽ vì ông và đa số mà chia sẻ, chư vị hãy khéo lắng nghe và tác ý.
Chư Phật tử! Hiện nay tại đa số các chùa đều tụng kinh hàng ngày gọi là nhật tụng. Họ thường tổ chức tụng kinh vào đầu mỗi tối. Các Phật tử tập trung trước chánh điện để làm lễ và tụng kinh. 
Việc làm như vậy thì có ý nghĩa gì, đúng hay là không đúng, có lợi ích hay không có lợi ích, nên làm hay không nên làm?
Trên cõi đời này, có nhiều việc làm có ý nghĩa, có lợi ích dù ít dù nhiều. Ý nghĩa và lợi ích của việc ta làm đó đem lại có thể là đúng theo mục đích chính của việc làm ấy, có thể không đúng theo mục đích chính. Ý nghĩa và lợi ích của việc ta làm đó đem lại có thể chỉ là gián tiếp, là phụ trợ, là trùng hợp.
Như vậy, khi ta làm một việc như tụng kinh hàng ngày, ta phải biết mục đích chính của việc làm ấy là gì, ý nghĩa chủ yếu và lợi ích mục tiêu khi ta làm là gì. Đây là cơ sở để chúng ta hiểu biết tụng kinh hằng ngày thì có ý nghĩa gì, đúng hay là không đúng, có lợi ích hay không có lợi ích, nên làm hay không nên làm.
Chư Phật tử, hãy thẳng tâm chân thành mà nói, ví như chư vị đã từng tụng kinh, vì nhân gì mà chư vị làm như vậy, tức là động cơ khiến cho chư vị làm như vậy: mục đích chính của việc làm ấy là gì, ý nghĩa chủ yếu và lợi ích mục tiêu là gì?

Quảng Pháp:
Bạch Sư phụ, trước con đã có đi chùa và tụng kinh, khi làm việc đó con chỉ nghĩ rằng mình vào chùa thì sinh hoạt theo các thầy chùa thôi, chứ con không thấy được thực sự lợi ích của việc tụng kinh. Nam mô Phật. Nam mô Sư phụ.

Chân Như Tuệ Không:
Nam mô Phật. Thưa Sư Phụ, con chưa có tụng kinh ạ.

Từ Kính:
Bạch Sư phụ: Con chưa tụng kinh ở nhà vì con cũng chưa biết kinh nào là chánh pháp. Nhưng con nghĩ khi có đủ duyên và có quyển kinh phù hợp thì có thể con cũng sẽ trì tụng hàng ngày. Với con, việc tụng kinh trước là để con có thể hiểu được lời kinh, lời Phật dạy. Đọc một lần chưa hiểu được lời kinh thì đọc nhiều lần nhiều ngày đến một ngày nào đó sẽ hiểu được lời kinh ạ. Nhưng việc tụng kinh con nghĩ cũng sẽ làm lợi ích cho những chúng sinh có thể nghe được lời kinh đó ạ. Giúp họ thâm nhập Phật pháp ạ.

Pháp Không Chân Như: 
Khi tôi cần chư vị trình bày, chia sẻ thì chư vị hãy nhiệt tâm tham gia vì khi làm như vậy, việc trình bày của tôi sẽ đầy đủ hơn, chư vị thâm nhập sâu hơn, hiểu rõ hơn.

Quốc Việt:
Thưa Thầy: Thời gian tụng kinh là thời gian những tạp niệm được lắng xuống khi chú tâm tụng niệm. Lợi ích hơn khi vào chùa tụng niệm nhờ hoàn cảnh xung quanh gồm những bạn đồng tu, tránh xa xao lãng bên ngoài. Đó là lợi ích. Nhưng tụng kinh ở chùa hiện nay hầu như rất nhanh và có giai điệu tụng xướng. Phật tử bị cuốn theo và rất khó để hiểu nghĩa cũng như nhớ được nội dung bài tụng.

Nguyễn Đình Lân:
Trong đây có nhiều vị, mức lãnh hội tu tập khác nhau, tuy nhiên đặc điểm chung cố hữu đó là sợ nói; vì sợ khi nói bị sai thì lại sợ người khác chê cười. Đây là một chướng ngại trong sự tu học. Nhân câu hỏi: "Chư Phật tử! Hiện nay tại đa số các chùa đều tụng kinh hàng ngày gọi là nhật tụng. Họ thường tổ chức tụng kinh vào đầu mỗi tối. Các Phật tử tập trung trước chánh điện để làm lễ và tụng kinh. Việc làm như vậy thì có ý nghĩa gì, đúng hay là không đúng, có lợi ích hay không có lợi ích, nên làm hay không nên làm?".
Trước khi trả lời câu hỏi này, bản thân con đã từng tự hỏi mình Kinh là gì? Kinh tồn tại dạng nào? Sau khi trả lời 2 câu hỏi đó con thấy được kết quả kinh giống như tấm bản đồ, hướng dẫn chúng ta sống đời sống chân chánh, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân và mọi người,... Tụng kinh giúp chúng ta trau dồi, phát triển, an trụ ba nghiệp trong sạch. Các nghiệp ác của ba ý, ba thân, bốn lời cũng được diệt trừ .v.v.. Với những điều đó, con xét thấy việc tụng kinh là đúng và có lợi ích, nên làm!

Chân Như Tuệ Quang:
Bạch Thầy: Con không có tụng kinh. Nhưng con thấy cách tụng kinh của các chùa chỉ chú trọng vào số lượng, tụng cho thuộc nằm lòng, chứ con thấy đa số Phật tử tụng kinh ở chùa là chưa hiểu được nghĩa kinh. Con thấy làm như vậy là chưa có lợi ích cho người tụng. Trên đây là nhận định của con. Kính mong Thầy giảng giải thêm cho con.

Chân Như Bồ Đề:
Bạch Sư Phụ: Mấy năm trước con có vào chùa tụng kinh một lần, do một người bạn rủ. Lúc vào chùa mới biết, hôm đó là Lễ Vu Lan báo hiếu. Phật tử đến đông, cùng quỳ, mỗi người cầm một quyển kinh. Một vị đánh chuông, một vị nói về ngày lễ, rồi người đó đọc kinh, mọi người đọc theo. Con xin sám hối: con cười vì thấy mọi người đọc kinh nhanh quá, rồi lạy.

Pháp Không Chân Như: 
Như chư vị trình bày, chia sẻ ý nghĩa, mục đích và lợi ích của việc tụng kinh thì có hai phương pháp tụng kinh khác nhau:
- Một là mọi người cùng đọc kinh ra tiếng, gõ mõ theo từ. Phương pháp này giúp tâm lắng dịu, hạn chế các tạp niệm khi tụng kinh. Ngoài ra, ít nhiều người tụng còn có ý nghĩ mong cầu ban phước, xá tội. Phương pháp này ít nhiều có tác dụng gieo duyên Phật pháp với chúng sinh. Nhưng phương pháp này không giúp cho người tụng hiểu được nghĩa kinh. Nếu có hiểu thì cũng không phải là mục tiêu của việc tụng kinh như thế này.
- Hai là tụng kinh là tự mình đọc như đọc một bài tập, chú tâm suy nghĩ, tư duy, quán xét từng lời kinh. Phương pháp này giúp người tụng có thể hiểu rõ lời dạy của Phật, nhờ đó tăng trưởng trí tuệ, hiểu biết việc nên làm và không nên làm, hiểu biết làm thế nào. Từ đó, nhờ tinh tấn vận dụng, người tụng kinh được đưa đến hướng thượng về thân, tâm, tuệ.
Có phải như vậy không hay là như thế nào khác nữa chư vị?

Diệu Mỹ Không:
Thưa Thầy, trước khi vô chùa, có thời gian con cũng tụng kinh. Nhưng trong chùa, mọi người tụng rất nhanh, nhiều lúc muốn hiểu từng câu chữ nói về điều gì nhưng lại tụng không theo kịp mọi người. Vậy là phải căng mắt lên đọc, rồi đọc xong thì hiểu được rất ít ạ.

Quảng Pháp:
Thưa sư phụ, con thấy phải ạ. Nam mô Phật.

Chân Như Tuệ Quang:
Bạch Sư Phụ. Con thấy đúng là như vậy ạ.

Pháp Không Chân Như: 
Còn chư vị khác thì như thế nào về câu hỏi vừa hỏi ở trên vậy?

Từ Kính:
Bạch sư phụ con thấy phải ạ.

Pháp Không Chân Như: 
Chư vị hãy nhiệt tâm, tiết kiệm thời gian trình bày, chia sẻ để những người khác ít phải đợi chờ. Nam mô Phật.

Hoàng Lạc:
Thưa Thầy, tự ăn mới biết no, tự đọc (tự tụng) mới có thể hiểu lời dạy của Phật. Tụng kinh như các chùa hiện nay khó mà hiểu lời kinh. Tuy nhiên tụng kinh dù không hiểu lời kinh nhưng ít nhiều cũng gieo duyên với Phật pháp.

Pháp Không Chân Như: 
Tôi đã bổ sung tác dụng gieo duyên ở đoạn tổng hợp ý kiến ở trên.

Chân Như Bồ Đề:
Bạch Sư Phụ! Thật sự con cũng không hiểu rõ thế nào là tụng kinh nữa ạ. Trước giờ con toàn nghe nói, nghe kể, hoặc đọc ở đâu đó nên hiểu nôm na tụng kinh là ở tại nhà hoặc trong chùa, cầm sách rồi đọc, hoặc gõ thêm mõ, lần sợi tràng hạt, đọc nhép nhép hoặc ra tiếng. Ý nghĩa của sự tụng con không rõ, nhưng cũng nhiều lần được nghe là để cầu phước, cầu cho bản thân, hoặc cầu cho cha mẹ người thân còn tại thế hay đã mất nhằm giảm tội, cầu cho những chúng sinh bị giết hại để nó tha thứ... Con chỉ nghe như vậy ạ.

Pháp Không Chân Như: 
Tôi đã bổ sung mục đích mong cầu ban phước, xá tội vào đoạn tổng hợp ý kiến ở trên.
Còn Nguyễn Đình Lân và Quốc Việt thì như thế nào, có bổ sung nội dung hoặc chỉnh sửa đoạn tổng hợp ý kiến ở trên không?

Quốc Việt:
Con chỉ thêm ý kiến là tụng kinh hay nghiền ngẫm kinh sách thì không nên sa vào con đường học thuật mà nên dành nhiều thời gian để công phu và thực hành.

Nguyễn Đình Lân:
Hình thức của Kinh (Phật) là lưu lại thông qua truyền miệng, văn tự và hình ảnh. Hai phương pháp tụng mà Thầy nêu trên con thấy phần nào đã đủ. Mỗi người quán xét lại xem mình đang ở phương pháp nào để có sự điều chỉnh hay tiếp tục. Mỗi phương pháp dù ít hay nhiều cũng có những lợi ích riêng. Bản thân Kinh không có bao trùm khái niệm khế lý và khế cơ vì vậy người tụng cần vận dụng sao cho khế lý và khế cơ đồng nhất để tinh tấn!

Pháp Không Chân Như: 
Chư Phật tử đã nhiệt tâm tham gia trình bày, chia sẻ sự hiểu biết và ý kiến của mình. Đây là một duyên tốt của chúng ta đối với Phật pháp.
Chư Phật tử! Kinh là bản ghi chép lời Phật dạy, bản ghi chép lời truyền đạt lời Phật dạy, của chư đại Bồ tát. Chư Phật, chư đại Bồ tát truyền dạy cho chúng sinh là để chúng sinh hiểu biết đúng đắn về sự thật của chính mình và những gì xung quanh, hiểu biết những gì nên làm và không nên làm, hiểu biết có lợi ích chân chính, có hạnh phúc chân chính, có an lạc chân chính, hiểu biết phải làm như thế nào để đưa đến lợi ích chân chính, hạnh phúc và an lạc chân chính. Từ đó giúp chúng sinh nâng cao trí tuệ, tinh tấn vận dụng lời kinh để đưa đến hướng thượng về thân, về tâm, về tuệ. Từ đó đưa đến dứt trừ mọi lậu hoặc, thân giải thoát, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nhờ đó, chúng sinh không còn trôi lăn trong lục đạo luân hồi ưu, sầu, bi, khổ, sanh, già, chết, đạt được thường hằng, an lạc, chân ngã, thanh tịnh, trí huệ không ngăn mé.
Như vậy, người Phật tử cần phải học và hiểu lời dạy của chư Phật, chư đại Bồ tát, tức là người Phật tử phải học và hiểu kinh Phật. Ý nghĩa, mục đích và lợi ích mục tiêu của việc tụng kinh chính là hiểu lời Phật dạy để vận dụng.  Lời dạy của chư Phật, đại Bồ tát không dùng để chư Phật, đại Bồ tát lắng nghe, học hiểu mà là để cho chúng sinh lắng nghe, học hiểu.

Lê Lộc:
Nam Mô Phật, Nam Mô Sư Phụ! Bạch Thầy! Với tri kiến ít ỏi, con chỉ biết là trong lúc đang công phu tụng kinh là lúc đang thâu nhiếp thân, khẩu, ý vào trong chánh niệm. Nhờ vậy mà không tạo nghiệp bất thiện, do đó công đức được phát sinh. Duyên theo lời lý lẽ trong kinh mà hành giả tu hành đúng theo chánh pháp Phật đã chỉ dạy. Qua TẠNG KINH, mọi người có thể hiểu biết những diễn biến trong lịch sử Phật giáo do nhân gì, duyên gì mà Phật thuyết kinh ấy. Riêng con, trước khi hành trì, con sẽ xem xét kinh này có phải Phật thuyết hay chư Tổ truyền lại, căn cứ vào TAM PHÁP ẤN (VÔ THƯỜNG, KHÔ, VÔ NGÃ) và quan điểm trong BÁT CHÁNH ĐẠO... Cẩn trọng với các dạng kinh không rõ tác giả, xuât xứ, không tuân luật NHÂN QUẢ.. Mô Phật, kính xin Tôn Sư chỉ dạy thêm cho chúng con. NAM MÔ SƯ PHỤ!

Pháp Không Chân Như: 
Chư Phật, đại Bồ tát không dạy cho chúng sinh cái gọi là phương pháp để cầu xin chư vị ấy mà là truyền dạy cho chúng sinh là để chúng sinh hiểu biết đúng đắn về sự thật của chính mình và những gì xung quanh, hiểu biết những gì nên làm và không nên làm, hiểu biết có lợi ích chân chính, có hạnh phúc chân chính, có an lạc chân chính, hiểu biết phải làm như thế nào để đưa đến lợi ích chân chính, hạnh phúc và an lạc chân chính. Từ đó giúp chúng sinh nâng cao trí tuệ, tinh tấn vận dụng lời kinh để đưa đến hướng thượng về thân, về tâm, về tuệ. Từ đó đưa đến dứt trừ mọi lậu hoặc, thân giải thoát, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nhờ đó, chúng sinh không còn trôi lăn trong lục đạo luân hồi ưu, sầu, bi, khổ, sanh, già, chết, đạt được thường hằng, an lạc, chân ngã, thanh tịnh, trí huệ không ngăn mé.
Như vậy, chư Phật tử, những ai tụng kinh với ý nghĩ như sau là không đúng pháp. 
Vị ấy nghĩ: tôi quỳ trước Tam Bảo, tụng những lời kinh này mong được Tam Bảo nghe được.
Những ai tụng kinh với ý nghĩ như sau là không đúng pháp. Vị ấy nghĩ: tôi quỳ trước Tam Bảo, tụng những lời kinh này mong được Tam Bảo nghe được. Nghe được, Tam Bảo phù hộ, độ trì, ban phước, xá tội cho mình và những ai mình nêu lên.
Chư Phật tử! Những ai tụng kinh với ý nghĩ như sau là đúng pháp. 
Vị ấy nghĩ: Đây là lời Phật, chư đại Bồ tát dạy. Tôi cần phải hiểu rõ lời dạy của chư Ngài. Lời chư Ngài dạy, từng từ, từng cú pháp, từng đoạn, từng đề mục, từng phẩm rất kỹ càng, rất giá trị, không thừa không thiếu, thâm sâu vi diệu. Vì vậy, tôi cần phải đọc kỹ, cần phải suy nghĩ kỹ, cần phải quán chiếu kỹ từng từ, từng cú pháp, từng đoạn, từng đề mục, từng phẩm để hiểu biết đầy đủ, để hiểu biết chính xác.
Những ai tụng kinh với ý nghĩ như sau là đúng pháp.
Vị ấy nghĩ: Chư Phật, đại Bồ tát có trí huệ thù thắng, biết rõ vô số pháp, có lòng từ bi vô thượng, vì thương tưởng chúng sinh, đem cái biết ấy truyền đạt lại cho chúng sinh, để chúng sinh hiểu biết đúng đắn về sự thật của chính mình và những gì xung quanh, hiểu biết những gì nên làm và không nên làm, hiểu biết có lợi ích chân chính, có hạnh phúc chân chính, có an lạc chân chính, hiểu biết phải làm như thế nào để đưa đến lợi ích chân chính, hạnh phúc và an lạc chân chính. Từ đó giúp chúng sinh nâng cao trí tuệ, tinh tấn vận dụng lời kinh để đưa đến hướng thượng về thân, về tâm, về tuệ. Từ đó đưa đến dứt trừ mọi lậu hoặc, thân giải thoát, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Nhờ đó, chúng sinh không còn trôi lăn trong lục đạo luân hồi ưu, sầu, bi, khổ, sanh, già, chết, đạt được thường hằng, an lạc, chân ngã, thanh tịnh, trí huệ không ngăn mé. 
Vị ấy nghĩ tiếp: Do nhân duyên khó được này, do thân này khó được, sau khi hiểu biết đầy đủ, hiểu biết chính xác lời dạy của chư Ngài ở đoạn kinh này, đề mục này, phẩm kinh này, tôi phải vận dụng cho chính mình, vận dụng vào cuộc sống chính mình, tinh tấn thực hành như chư Ngài đã dạy, mong được hướng thượng về thân, về tâm, về tuệ. Mong được dứt trừ mọi lậu hoặc, thân giải thoát, tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Mong không còn trôi lăn trong lục đạo luân hồi ưu, sầu, bi, khổ, não, sanh, già, chết, đạt được thường hằng, an lạc, chân ngã, thanh tịnh, trí huệ không ngăn mé.
Chư Phật tử! Những ai tụng kinh với ý nghĩ như sau là không đúng pháp. 
Vị ấy nghĩ: tôi tụng kinh để thân tâm được thanh tịnh, không tạp niệm khi tụng kinh.
Vì cớ sao? Vì rằng chư Phật, đại Bồ tát không dạy phương pháp để tâm được thanh tịnh, không tạp niệm bằng cách tụng kinh gõ mõ. Chư Phật, đại Bồ tát có chế đặt nhiều phương pháp để giúp cho thân tâm được thanh tịnh, không tạp niệm. Các pháp mà chư Ngài đã dạy có hiệu quả thù thắng, đưa đến lợi ích lớn. Khi chư Ngài chế đặt một pháp tu, chư Ngài vì biết rõ vô số pháp nên biết pháp nào thù thắng đưa đến lợi ích lớn thì chư Ngài chế đặt cho chúng sinh, pháp nào không thù thắng, ít lợi ích thì chư Ngài không vận dụng cho chúng sinh.
Vậy nên, bất cứ những ai biện hộ cho phương pháp thực hành không do Phật trình bày, rằng pháp ấy có đưa đến lợi ích như thế này, như thế kia đều là kẻ phàm phu không biết rõ các pháp, không biết rõ các pháp thù thắng như thế nào và lý do nào đưa đến lợi ích sẽ như thế này, sẽ như thế kia, nên mới nói như thế.
Như tôi đã nói ở những đoạn đầu tiên rằng:
Trên cõi đời này, có nhiều việc làm có ý nghĩa, có lợi ích dù ít dù nhiều. Ý nghĩa và lợi ích của việc ta làm đó đem lại có thể là đúng theo mục đích chính của việc làm ấy, có thể không đúng theo mục đích chính. Ý nghĩa và lợi ích của việc ta làm đó đem lại có thể chỉ là gián tiếp, là phụ trợ, là trùng hợp.
Sự việc tụng kinh gõ mõ có đưa đến cho người tụng thấy được thân tâm thanh tịnh, không tạp niệm xen lẫn là kết quả phụ trợ, gián tiếp. Nó không phải là kết quả của mục đích tụng kinh. Lợi ích này có xảy ra khi tụng kinh gõ mõ nhưng phương pháp tụng kinh gõ mõ để mong muốn được thân tâm thanh tịnh, không tạp niệm thì không thù thắng như các pháp mà Phật đã dạy về tu tập thân, tu tập tâm, tu tập tuệ trong một số bộ kinh.
Chư Phật tử! Hiện nay, việc tụng kinh hằng ngày tại ngôi Bảo điện có tác dụng gieo duyên Phật pháp đến với chúng sinh rất tốt ngay hiện tại. Vậy phải làm như thế nào cho đúng pháp?
Tụng như thế nào là đúng pháp, như thế nào là không đúng pháp thì tôi đã trình bày với chư vị.
Còn việc tụng kinh hiện nay ở các chùa, đa số không đúng pháp, nhưng nhờ việc tụng kinh hàng ngày mà chư vị cư sĩ thường lui đến chùa để tham gia tụng kinh. Vậy phải làm như thế nào để việc gieo duyên Phật pháp này vẫn được duy trì như vậy mà vẫn phải thực hành đúng pháp? Theo chư vị thì phải làm như thế nào?

Quảng Pháp:
Bạch Sư phụ, theo con thì phải tìm những bộ kinh đúng chánh pháp như những bộ kinh trong Thượng tọa bộ để tụng đọc.

Pháp Không Chân Như: 
Ở đây đang nói tụng đọc không đúng pháp, không phải nói tụng đọc kinh không phải chánh pháp.

Quảng Pháp:
Vâng thưa Sư phụ.

Chân Như Tuệ Quang:
Nam mô Phật. Bạch Sư phụ. Theo con, nếu thay đổi buổi tụng niệm kinh bằng buổi trao đổi nghĩa kinh với Phật tử hằng ngày là được lợi ích cho nhiều người đến chùa ạ.

Pháp Không Chân Như: 
Đây là phương pháp nên làm, tụng đọc đúng pháp, đem đến lợi ích cho người tham gia.

Chân Như Vô Ngại:
Bạch Sư phụ. Theo con, một cuốn kinh có thể có nhiều phẩm thì nên tụng theo đoạn, phẩm, chương sao cho thời gian phù hợp. Trước khi tụng kinh chính, cần tụng rõ mục đích, ý nghĩa của việc tụng kinh. Trong khi tụng nên tụng chậm, rõ từng câu từng chữ; người thầy đọc đầy đủ một câu đủ ý; sau đó đại chúng đọc trọn câu đó. Sau cùng thì thực hiện việc tọa đàm về đoạn, phẩm hoặc chương vừa tụng để sàng lọc. Dạ con nghĩ nên như thế. Nam mô Phật. Nam mô Sư phụ.

Pháp Không Chân Như: 
Lời của Chân Như Vô Ngại cần sửa lại như sau, sửa lại như sau thì đó là phương pháp nên làm, tụng đọc đúng pháp, đem đến lợi ích cho người tham gia.
"Theo con, một cuốn kinh có thể có nhiều phẩm thì nên tụng theo đoạn, phẩm, chương sao cho thời gian phù hợp. Trước khi tụng kinh (bỏ: chính), cần (bỏ: tụng) "hiểu" rõ mục đích, ý nghĩa của việc tụng kinh. Trong khi tụng nên tụng chậm, rõ từng câu từng chữ; người thầy đọc đầy đủ một câu đủ ý; sau đó đại chúng đọc trọn câu đó. Sau cùng thì thực hiện việc (bỏ: tọa đàm) "giải nghĩa" về đoạn, phẩm hoặc chương vừa tụng để (bỏ: sàng lọc) hiểu rõ lời kinh.

Chân Như Vô Ngại:
Vâng. Con đã hiểu và xin tiếp thu ạ. Nam mô Sư phụ.

Hoàng Lạc:
Thưa Thầy và các chư vị: Để "việc tụng kinh hiện nay ở các chùa, đa số không đúng pháp, nhưng nhờ việc tụng kinh hàng ngày mà chư vị cư sĩ thường lui đến chùa để tham gia tụng kinh, để việc gieo duyên với Phật pháp này vẫn được duy trì như vậy mà vẫn phải thực hành đúng pháp", chúng ta nên kết hợp cả hai phương pháp: vừa tụng đọc vừa giảng. Tụng đọc tập thể thì chậm rõ từng câu, từng đoạn, từng phẩm; sau đó, vị giảng sư chủ trì tổ chức pháp thoại, vấn đáp và kết luận tỏ tường thì việc tụng kinh như hiện nay sẽ bước đầu đáp ứng yêu cầu trên.

Pháp Không Chân Như: 
Đây là phương pháp nên làm, tụng đọc đúng pháp, đem đến lợi ích cho người tham gia.

Puốn Văn:
Thưa Thầy và các chư vị lời nói của Hoàng Lạc mình rất đồng ý vì như vậy người tụng kinh hiểu rõ lời kinh nhiều hơn và niềm tin vững chắc hơn.

Pháp Không Chân Như: 
Đúng như vậy. Đây là phương pháp nên làm, tụng đọc đúng pháp, đem đến lợi ích cho người tham gia.

Chân Như Tuệ Không:
Nam mô Phật. Thưa Sư Phụ. Theo con những vị hướng dẫn tụng kinh phải là những vị đã hiểu rõ một cách đúng đắn ý nghĩa, mục đích và lợi ích của việc tụng kinh chính là hiểu lời Phật dạy để vận dụng.
Những vị ấy phải rõ biết những bộ kinh để tụng là lời dạy của chư Phật, lời truyền dạy của chư đại Bồ Tát. Và những vị ấy đã hiểu rõ lời dạy của chư Phật, chư đại Bồ Tát. 
Khi tụng nên đọc từng đoạn từng phẩm, sau đó chia sẽ giảng giải cho những vị chưa hiểu để được hiểu rõ để vận dụng thực hành theo lời dạy của chư Phật, chư Đại Bồ Tát.

Pháp Không Chân Như: 
Đoạn thứ nhất và đoạn thứ ba của Chân Như Tuệ Không là đúng pháp, là phương pháp nên làm, tụng đọc đúng pháp, đem đến lợi ích cho người tham gia.
Nhưng, đối với đoạn thứ hai, những người hướng dẫn không nhất định phải là người biết rõ kinh nào là chánh Pháp, không nhất định phải là người hiểu rõ lời kinh đó trước. Người hướng dẫn có thể cùng đến để mà thấy như những người tham gia còn lại. Việc tụng đọc một phẩm kinh có thể diễn ra nhiều lần để suy ngẫm, tư duy, quán xét đưa đến hiểu rõ lời kinh. Hiểu rõ rồi thì quán xét để biết chân chánh hay không chân chánh. Trường hợp trong một xã hội không có người đã rõ lời kinh, đã rõ chánh tà thì phải làm như vậy. Trường hợp trong xã hội có người hiểu rõ lời kinh, biết rõ chánh tà thì hội chúng đó nên thỉnh pháp của vị ấy.

Trần Kim Chung:
Kính bạch thầy, chùa phải là một trường học ạ, Thầy hướng dẫn chúng đệ tử một bộ kinh thôi ạ, định thời gian tụng một bộ là bao nhiêu? Sau đó, thầy đem giải nghĩa bộ kinh đó cho hàng Phật tử hiểu đúng, luôn luôn quan tâm đến sự học hành của Phật tử.

Pháp Không Chân Như: 
Thời bây giờ không phải thầy nào cũng hiểu rõ, hiểu đúng lời kinh, biết rõ kinh ấy là chánh pháp để mà giảng. Người giảng pháp, một là phải hiểu rõ, hiểu đúng pháp, hai là phải biết kinh ấy là chánh pháp. Điều kiện này là khó đối với nhiều thầy. Vậy nên, ý muốn của Trần Kim Chung là chưa phù hợp.

Trần Kim Chung:
Ý của con tụng một bộ kinh là chính và phải thành tựu bộ kinh đó vì thời gian của chúng Phật tử không nhiều ạ.

Pháp Không Chân Như: 
Ý của Trần Kim Chung không thể nói chung như vậy được.
Việc tụng hiểu rõ từng câu, từng đoạn, từng phẩm là nên làm. Không nên có lòng tham biết mà lại không quán xét, không vận dụng sau khi quán xét đó là chánh pháp.
Sau khi hiểu rõ, hiểu đúng từng phẩm kinh. Hãy quán xét một cách nghiêm túc, trung lập, bình đẳng, không sợ hãi, không phỉ báng, định tĩnh. Sau khi quán xét như vậy, thấy rằng đây là lời đúng nên vận dụng thì hãy vận dụng. Sau khi quán xét như vậy, thấy rằng đây là lời không đúng thì không nên vận dụng. Không dùng cái hiểu biết lời Phật để làm trang sức cho tự ngã của mình. Hãy vận dụng ngay những lời đúng cho cuộc sống hiện tại.
Kinh thì có nhiều phẩm, bộ cùng nhóm và không cùng nhóm mục đích. Người tu hành có thể tụng đọc các phẩm, bộ cùng nhóm mục đích mà mục đích đó phù hợp với việc vận dụng của mình. Làm như vậy thì các pháp mà Phật chế đặt cùng nhóm mục đích sẽ được hành giả sâu chuỗi và vận dụng trọn vẹn. Người tu hành có thể tụng đọc các phẩm, bộ kinh với các nhóm mục đích khác nhau nếu người tu hành ấy thấy rằng khả năng vận dụng của họ là có thể vận dụng hiệu quả cho sự tu hành của mình.
Như vậy tùy theo người mà có phương hướng cho phù hợp. Tuy nhiên, lời Phật dạy không phải để làm trang sức cho tự ngã của mình.

Chân Như Vô Ngại:
Bạch Sư phụ. Con nhận thấy, điều cốt lõi ở đây vẫn là sự "quán xét một cách nghiêm túc, trung lập, bình đẳng, không sợ hãi, không phỉ báng, định tĩnh". Dù là ứng dụng điều đó với kinh, hay mọi điều trong cuộc sống đều là cần thiết. Để luôn làm được điều đó thì đã là một vấn đề khó. Và để thành tựu việc đó thì phải là cả một quá trình tích cực thực hiện.
Sư phụ cho con hỏi, "lời Phật dạy không phải để làm trang sức cho tự ngã của mình" là như thế nào ạ? Nam mô Sư phụ.

Pháp Không Chân Như: 
Hiện nay có nhiều Phật tử tại gia và Phật tử tại chùa,... học được ba chữ của Phật rồi lấy đó để khoe khoang sự hiểu biết, bằng cấp, chức sắc của mình với mọi người. Họ lấy đó làm chỗ nương tựa cho tâm vọng tưởng danh sắc huyễn hóa, lún sâu trong lối sống của phàm tục. Trong khi đó, việc vận dụng sự biết đó cho cuộc sống đem lại lợi ích cho mình cho người, vận dụng cho việc tu tập thân tâm tuệ hằng ngày thì không nghiêm túc.
Ở đây chúng ta không cần tìm hiểu nguyên nhân đa số tụng kinh không đúng pháp vì nó cần truy tìm lâu xa về quá khứ và phân tích tình hình con người hiện tại nhưng kết quả của nó để đưa đến phương pháp tụng kinh đúng pháp mà vẫn duy trì khả năng gieo duyên Phật pháp của việc tụng kinh hàng ngày tại các chùa. Việc ở đây cần là phương pháp nào để duy trì khả năng gieo duyên của việc tụng kinh hàng ngày tại các chùa nhưng phải tụng đọc đúng pháp.
Tụng kinh phải đúng pháp,
Đúng pháp là rõ nghĩa,
Chính mình nghe để hiểu,
Chẳng để cho Phật nghe,
Bồ tát cũng chẳng cần.
Lời Phật dạy để hành,
Chẳng để làm trang sức,
Cũng chẳng phải pháp cầu
Van xin hay siêu độ.
Rõ nghĩa chẳng vội hành,
Hãy quán xét nghiêm túc,
Với tâm không biên kiến,
Trung lập với tất cả,
Bình đẳng mọi chúng sinh,
Không sợ hãi phạm tội,
Định tĩnh mà quán xét.
Sau quán xét như vậy,
Thấy rằng lời ấy sai,
Chẳng nên quan tâm đến,
Hãy từ bỏ ngay đó.
Sau quán xét như vậy,
Thấy rằng lời ấy đúng,
Hãy vận dụng cho đời,
Cho người, cho chính mình,
Để thân tâm hướng thượng,
Chánh tuệ ngày tăng trưởng,
Tìm được chân an lạc,
Thoát khỏi mọi khổ đau,
Đến được bờ giải thoát.

Puốn Văn:
Thầy nói bài kệ này dễ hiểu quá! Mọi người đọc sẽ lợi ích và nhớ liền lời Thầy dạy.
***
Pháp thoại từ ngày 29-5 đến 03-6-2016
Chủ giảng: Pháp Không Chân Như
Kết tập (biên tập): Hoàng Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét